Tại cuộc họp chiều 22-6, triển
khai thực hiện xây dựng năm cổng chào ở năm cửa ngõ đi vào trung tâm Thủ
đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã chỉ
định năm doanh nghiệp tham gia xây dựng năm cổng chào. Theo
đó, cổng chào số 1 có hình tượng 10 cánh chim Lạc Việt vươn lên trời
cao, đặt tại xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên trên diện tích khoảng 5.000m2
đất. Cổng chào số 2 cũng nằm trên diện tích khoảng 5.000m2, trên địa
bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn có hình tượng trống đồng cách điệu.
Cổng số 3 tiếp giáp sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức có hình tượng trống
đồng vươn lên từ đất và nước, với quy mô khoảng 4.000m2. Cổng số 4 trên
diện tích khoảng 1.200m2 thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm có hình tượng
cọc trụ diệt giặc trên sông Bạch Đằng, lại vừa như cánh buồm vươn ra
biển. Cổng số 5 trên diện tích khoảng 2.800m2 thuộc xã Ninh Hiệp, huyện
Gia Lâm có hình tượng tám rồng chầu tượng trưng cho tám vị vua triều Lý.
|
Cổng chào trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc. Nguồn VnExpress |
Trên
cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội đã chỉ định thầu với
năm doanh nghiệp gồm Cty Cổ phần Vincom làm cổng chào số 1 trên đường
1A; Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) làm cổng số 2
trên đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội Bài; Vinaconex làm cổng chào số 3
trên đường Láng-Hòa Lạc; Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC
làm cổng chào số 4 trên đường 5 Hà Nội-Hải Phòng; Cty Cổ phần Him Lam
làm cổng số 5 trên đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn. Trong đó, Cty cổ phần
Him Lam và Cty cổ phần Vincom đề nghị xây dựng hai cổng chào kỷ niệm
1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tặng TP Hà Nội; 3 doanh nghiệp còn lại dự
định ủng hộ ít nhất 50% kinh phí xây dựng ba cổng chào được tham gia.
Tổng kinh phí xây dựng năm cổng chào theo dự tính khoảng 50 tỷ đồng. Liên
quan đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Phí Thái Bình yêu cầu các
huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm, Hoài Đức hoàn thành công tác này
trước ngày 30-6. Sau cuộc họp, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình đã kết luận về
cơ bản, vị trí đặt các cổng chào cũng như ý tưởng và phương án thiết kế
sơ bộ của Sở QH-KT đã được xác định theo đúng yêu cầu của lãnh đạo
Thành ủy và UBND TP. Cũng trước 30-6, Sở QH-KT và Sở Xây dựng Hà Nội sẽ
phải hoàn thành thiết kế và dự toán đầu tư xây dựng các cổng chào này,
đồng thời gửi phương án thiết kế sơ bộ và các tài liệu liên quan tới Hội
Kiến trúc sư Việt Nam để lấy ý kiến góp ý.
|
Phối cảnh cổng chào trên tuyến Bắc Thăng Long. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc. Nguồn VnExpress |
Tuy
nhiên, Sở này cần xin thêm ý kiến về phương án cổng chào đặt trên quốc
lộ 5. Đồng thời ông Phí Thái Bình đề nghị các sở, ban, ngành và các
quận, huyện có liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, giúp
các doanh nghiệp xúc tiến thực hiện năm cổng chào nói trên bảo đảm tiến
độ. Đồng thời, các doanh nghiệp chủ động liên hệ với các cơ quan, địa
phương liên quan để triển khai, phấn đấu đến ngày 5-7 có thể báo cáo TP
tiến độ công việc. Văn phòng Ban chỉ đạo quốc
gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có trách nhiệm đề xuất cụ thể
danh sách các đơn vị có nguyện vọng, nhu cầu thi công các “cổng chào
nghìn năm” này cùng hình thức huy động vốn, để TP xem xét, quyết định.
Được biết, trước đó, đề án năm cổng chào của Cty cổ phần Cầu Vàng dự
kiến đặt các công trình kiến trúc này tại những cửa ngõ ra vào chính của
Thủ đô như: Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ; đầu đường 5 đi Hải Phòng; đường
Hà Nội - Lạng Sơn; đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài và đường Láng -
Hòa Lạc. Lộ trình thực hiện đề án bắt đầu từ ngày 1-10-2009, kết thúc
vào 30-8-2010 với tổng chi phí xây dựng toàn bộ khoảng 156,5 tỷ đồng từ
nguồn xã hội hóa. Bù lại, Cty trên mong muốn được cấp phép khai thác 10
vị trí quảng cáo tấm lớn trong khu vực nội thành
Hà Nội và 15 vị trí quảng cáo tấm lớn tại khu vực gần chính các cổng
chào đó trong thời gian 10 năm. Nhưng vào tháng 3-2010, Cty này đã xin
rút lại không thực hiện đề án năm cồng chào.