Cờ toán - Phát minh có một không haiTài hoa với nghề nặn tượngBắt đầu làm quen với nghề nặn tượng từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Ngày ấy, gia đình ông bao đời làm ruộng, thuộc thành phần cố nông;
chẳng ai biết gì về nặn tượng hay điêu khắc cả. Đến với công việc này,
ông phải tự mày mò học hỏi, nghiên cứu.
Quá trình tự học, cộng thêm đôi bàn tay tài hoa khéo léo đã giúp ông
cho ra đời những bức tượng mang dấu ấn riêng, được nhiều người biết đến.
Ngay từ tác phẩm đầu tiên, bức tượng Hoàng Hoa Thám đã khiến nhiều
người ngỡ ngàng. Con gái ông Đề Thám là bà Hoàng Thị Thế từ Pháp về
trông thấy bức tượng đã phải thốt lên: “Đúng là cha của tôi rồi!”.
Trước đó, ông hành nghề vẽ truyền thần, đã làm nhiều người khách rơi
nước mắt khi nhìn người thân của mình hiện ra mồn một dưới đôi tay của
ông. Khoảng 10 năm sau, ông lại được nhiều người biết tới bằng tượng đài
“Đồng chí Nguyễn Văn Cừ”. Đến nay, ông đã có hơn 100 tác phẩm với vài
chục giải thưởng vàng, bạc, bằng khen.
Ông từng tham gia trên 40 cuộc triển lãm trong tỉnh cũng như toàn
quốc. Đến giờ, ông đã có thể ung dung mà chẳng phải lo nghề nặn tượng bị
mai một. Bởi đến thời điểm này, nghề nặn tượng đã truyền qua 3 thế hệ
đến cháu ông là Vũ Hải Bình và Vũ Bình Minh, ai cũng đã có chút ít tiếng
tăm trong làng điêu khắc.
Nhiều người gọi ông là “Nhà điêu khắc dân gian” bởi lẽ ngoài chủ đề
về các vị lãnh tụ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông còn cho ra đời những tác
phẩm đậm đà màu sắc dân gian: Mời trầu, Giã bạn, Giao duyên... với
những liền anh liền chị guốc mộc, áo the...
Nhưng ít ai biết, ngoài nặn tượng ra, ông Bảy còn có một niềm đam mê
khác dành cho văn chương mặc dù ông viết không nhiều. Ông đã từng đoạt
giải A văn xuôi thể ký của Báo Văn Nghệ năm 1989 với tác phẩm Chân dung
một nhà văn. Bây giờ, thỉnh thoảng ông mới có một vài truyện ngắn đăng
trên tạp chí Người Kinh Bắc, tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Bắc
Ninh, nơi ông đang công tác với chức vụ Chi hội trưởng chuyên ngành điêu
khắc - hội họa.
Long đong cùng cờ toán Việt NamViệc ông Bảy mới chỉ học hết lớp 7 phát minh ra cờ toán VN đã làm tốn
không biết bao giấy mực của báo chí. Nhưng chuyện đó là có thật!
Cờ toán VN được ông “phôi thai” trong một thời gian khá dài. Trước
đó, từ hồi mới 12 - 13 tuổi, cậu bé Bảy đã thông thạo nhiều trò chơi
thuộc “họ” cờ.
Kiến thức của ông chủ yếu là do tự học, tự đọc. Qua tìm hiểu, ông
thấy hiện có nhiều loại cờ nhưng lại đơn giản trong nước đi, biết chơi
rồi sẽ chán ngay. Và tất cả các loại cờ mà nước ta đang chơi từ xưa đến
giờ đều do du nhập từ nước ngoài. Bản thân nước ta, dù không sáng tạo ra
cờ nhưng truyền thống chơi cờ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa -
thể thao từ mấy nghìn năm.
Từ những suy nghĩ ấy, trong đầu ông mới nảy ra câu hỏi: Tại sao mình
không nghĩ ra một thứ cờ mang đặc trưng của nước mình? Thế là từ đó, ông
lại đau đáu, mày mò ra những con số, phép tính, quy luật; đến năm 1982
thì trò chơi cờ toán do ông sáng tạo chính thức ra đời.
Với mong muốn là được nhiều người biết đến trò chơi thú vị này, ông
Bảy lặn lội mang “đứa con” của mình đi đến các cơ quan chức năng đăng ký
bản quyền nhưng không đâu công nhận. Tới Ủy ban Khoa học tỉnh Hà Bắc
rồi Sở Văn hóa, Sở Thể thao (cũ) nhưng cứ ông nọ đùn sang ông kia.
Thậm chí có nơi chỉ xem đây là một trò vớ vẩn và “gán” cho ông “rỗi
hơi, đi nghĩ ra cái trò cờ bạc”. Được một thời gian, ông mang tới Ủy ban
Khoa học Nhà nước nhưng tình hình cũng không khá lên được là bao. Người
ta hẹn 2 tháng sau sẽ trả lời vì còn phải nghiên cứu. Hai tháng rồi 4
tháng, cờ toán của ông vẫn không được cấp giấy chứng nhận bản quyền. Vì
theo quan niệm của những người có chức trách, đây không phải là máy móc
thiết bị, cho nên không thể gắn vào với khoa học.
Cũng có lúc ông nhụt chí, định thôi. Nhưng được bạn bè động viên, ông
lại tiếp tục với hành trình dở dang. Sau nhiều lần đi, về, ngày
18-5-2005, cờ toán của ông mới được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ
thuật cấp giấy chứng nhận để lưu hành.
Từ khi “đứa con” của mình có “giấy khai sinh”, ông Bảy rất vui. “Tin
lành đồn xa”, nhiều người đã tìm đến ông để thỏa trí tò mò cũng như học
hỏi cách chơi. Đặc biệt, có một thương gia nước ngoài đã tìm đến ông để
mua bản quyền với giá 1 triệu USD nhưng ông Bảy không bán. Ông bảo:
“Điều thôi thúc tôi là phải sáng tạo ra một thứ cờ của VN, mang nguồn
gốc VN”. Ngay từ đầu, ông đã xem đây là món quà dâng hiến cho đời, cho
những người thích chơi cờ, đặc biệt là lớp trẻ.
Điều ông Vũ Văn Bảy trăn trở bây giờ là làm sao tất cả các em học
sinh trên cả nước biết đến và chơi được môn cờ toán của ông. Ông đang có
kế hoạch thành lập một câu lạc bộ, gồm những thanh niên theo mô hình
thanh niên tình nguyện để đi đến nhiều nơi, hướng dẫn, phổ biến cách
chơi cờ toán cho mọi người. Ông cho biết, khi nào có điều kiện chắc chắn
sẽ thực hiện.
Theo
Người Lao Động