Bị kết án tù vì cướp tài sản và hiếp dâm nhưng các phạm nhân vẫn còn dương minh.
Bị án hiếp dâm "vẫn còn dương minh" Lương y Phạm Thị Hồng bật khóc khi phát hiện các phạm nhân bị kết án cướp tài sản, hiếp dâm nhưng vẫn còn dương minh -
(Ảnh: PV) Trong khi vụ án cướp tài sản, hiếp dâm liên quan đến 3 chú cháu thuộc
dòng họ Nguyễn Đình, ở Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ, ĐS&PL lại
nhận được đơn kêu cứu có nội dung tương tự của 7 gia đình cũng như 7 cậu
học trò ở huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Phóng viên ĐS&PL đã cùng
lương y Phạm Thị Hồng - người đã tìm ra "huyệt trai tân" và kêu oan cho 3
chú cháu họ Nguyễn Đình vào Phú Yên để xác minh. Với những tài liệu thu
thập được, chúng tôi nhận thấy vụ án này có nhiều uẩn khúc, cần được
các cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ.
Tìm huyệt "trai tân"Tháng sáu. Chưa đến 5h sáng, mặt trời đã lấp ló như quả cầu lửa, báo
hiệu một ngày rất nắng. Tôi và lương y Phạm Thị Hồng - người cũng nhận
được sự đề nghị giúp đỡ của gia đình 7 bị án cùng lên chuyến xe tốc hành
tìm về trại giam Đồng Găng, nơi 6/7 thanh niên kêu oan đang chấp hành
án phạt.
Ngồi trên chuyến xe ồn ào, ghé sát tai tôi, lương y Phạm Thị Hồng tâm
sự: "Mang đơn đến quỳ trước cửa nhà tôi, người thân của 7 bị cáo đang
chịu án tù khẳng định con cháu họ không phạm tội cướp của, hiếp dâm và
chưa từng quan hệ tình dục. Tôi doạ, nếu tôi phát hiện các cháu không
còn dương minh (huyệt “dương minh” trong đông y biểu hiện cho dấu hiệu
vẫn còn “trai tân” - P.V) thì sẽ đề nghị mức án gấp đôi. Họ nhất loạt
chấp nhận và đó chính là điều thôi thúc tôi nhanh chóng lên đường".
Đang lao vun vút, chiếc xe bỗng phanh gấp khiến mọi người chúi dụi. Anh
phụ xe cao gầy như sếu, có nước da tựa kèo nhà bếp cau có lùa chúng tôi
xuống nhanh, nhưng bù lại được câu hướng dẫn tỉ mỉ: "Tới ngã ba Nữ Chúa
rồi, chục km nữa là rẽ đường Đất Sét vào Đồng Găng, muốn tới gọi xe ôm
là có liền".
Hơn 12h, tốp xe ôm rồ ga phóng bụi mù đưa chúng tôi vào Trại A2 hay còn
gọi là Trại giam Đồng Găng thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Nắng
chiếu thẳng xuống những cây keo tràm im phắc, lá vàng ệch như vừa đi qua
lửa. Ngồi la liệt dưới những gốc cây ngoài cổng trại, người già, người
trẻ và cả những em bé mới lững chững biết đi đều túa mồ hôi vì nắng nóng
và chờ đợi.
Đến khoảng 13h30, đang gà gật dưới tán cây, mọi người bỗng nháo nhác
xách đồ chạy ra lòng đường khi phát hiện chiếc xe tải loại 2,5 tấn bịt
bạt đen kín mít đang ọc ạch từ cổng trại bò ra. Đây là phương tiện duy
nhất để chở người vào thăm phạm nhân trong trại giam Đồng Găng. Giữa cái
nóng, chiếc xe tải bịt thùng như một cái "nồi hơi di động", nóng bức
không tả xiết.
Sau gần một tiếng đồng hồ, tôi, lương y Phạm Thị Hồng và một số thân
nhân chờ đợi, 6 bị cáo cùng lúc xuất hiện. Đó là Nguyễn Diệp Hồng Thái
(SN 1985); Đỗ Nam Thành Vũ (SN 1988), Võ Thạch Nguyên (SN 1989) ở thôn
Đồng Lộc, xã Hoà Thắng và Đoàn Xuân Nguyên (SN 1989); Đỗ Tùng Hải (SN
1988); Tôn Đức Khương, ở thôn Phú ân, xã Hoà An, huyện Phú Hoà, Phú Yên.
Bà Nguyễn Thị Ha, mẹ của Tùng Hải cho biết: “Hiện còn 6 cháu đang ở
trại là vì Nguyễn Khoa Trưởng (SN 1989) có mức án hơn 5 năm đã mãn hạn
tù cách nay mấy tháng rồi”.
Mặc dù đã biết những bị án mà mình cần gặp khi phạm tội phần lớn trong
độ tuổi vị thành niên nhưng khi gặp trực tiếp các em trong trại giam sau
nhiều năm thụ án, tôi vẫn ái ngại với những gương mặt ngơ ngác của
chúng. Nhưng tôi vẫn cố giữ cảm xúc của mình để chờ lương y Phạm Thị
Hồng ngầm kiểm tra huyệt dương minh của cả 6 bị án. Nữ lương y không
giới thiệu mình là ai mà lại gần hỏi thăm và khéo léo "test" huyệt trai
tân của từng bị cáo. Tôi cũng như các thân nhân của các bị án chẳng ai
nói với ai, đều nín thở chờ đợi. Tất cả như vỡ oà khi lương y Phạm Thị
Hồng khuỵu xuống khóc trong đau đớn: "Trời ơi, các cháu bị kết tội oan
rồi!".
Nỗi tủi không lờiNhân lúc mọi người đưa lương y Phạm Thị Hồng ra ngoài chăm sóc, tôi
tranh thủ tìm hiểu nguyên cớ vướng vòng lao lý cũng như cuộc sống, tình
trạng tâm lý, sức khoẻ của từng bị cáo.
Đoàn Xuân Nguyên (theo lời kể của gia đình) dù đã lớn hơn rất nhiều so
với lúc bị bắt, nhưng hôm nay tôi thấy Xuân Nguyên như cậu học trò cuối
cấp 2 ríu rít bên mẹ. Bà Nguyễn Thị Điệp động viên con trai trong nước
mắt giàn dụa "con nhớ đánh răng buổi tối coi chừng sâu răng". Biết tôi
là nhà báo, Xuân Nguyên hai tay lễ phép run run đưa cho tôi lá đơn thấm
nước mắt.
Nguyễn Diệp Hồng Thái là người nhiều tuổi nhất, bị mức án cao nhất (14
năm) trong số 7 người nhưng thân hình thì còm nhom nhất. Cũng như Thái,
Tôn Đức Khương ngồi bên đều rất buồn vì trong nhóm đến thăm hỏi chiều
nay không có người thân của hai phạm nhân này. Chắc cả Thái và Khương
không biết chuyện bố mẹ chúng phải bỏ lên Tây Nguyên làm ăn sau mấy năm
kêu oan cho con đã trở nên tay trắng. Đến lúc này, không cầm lòng được,
tôi trở thành kẻ nói dối bất đắc dĩ rồi cùng lương y Phạm Thị Hồng dùng
tiền của mình mua phiếu cho bị cáo này tạm thời trang trải và thỉnh
thoảng cải thiện bữa ăn.
Đêm định mệnhRụt rè đón lấy hộp sữa tươi, "rít" một hơi, Diệp Hồng Thái kể lại cái
đêm định mệnh: "Nhà cháu ở xã Hoà Định, cháu về sống cùng ông bà nội để
tiện học tập. Tuy ở khác xã, khác thôn nhưng khoảng cách rất gần nên 7
đứa chúng cháu đều biết và chơi với nhau. 6 trong 7 đứa đều đang theo
học, chỉ riêng Khương vì gia đình quá khó khăn phải bỏ học sớm đi chăn
vịt thuê. Cuối chiều 6/4/2005, sau khi đi học về, Thạch Nguyên xin của
mẹ Hải mấy quả xoài xanh về làm nộm và gọi Xuân Nguyên, Hải, Khương,
Trưởng đến ăn. Hơn 18h thì Xuân Nguyên, Trưởng, Khương về. Khoảng 19h,
cháu và Vũ ra mương nước trước cửa nhà Thạch Nguyên châm cá (kích điện)
về nấu cháo. Thấy cháu và Vũ châm cá, Thạch Nguyên chạy theo xem. Khoảng
20h, cháu, Vũ, Thạch Nguyên mới qua một đoạn mương ngắn thì Xuân Nguyên
cùng mẹ là cô Điệp đi bốc vác thuốc lá cho một cửa hàng gần đó thấy tụi
cháu đã xin mẹ xuống chơi. Gần 21h, cô Điệp bốc thuốc xong qua mương
nước gọi Xuân Nguyên về. Một lát sau, Thạch Nguyên cũng về. Còn cháu và
Vũ ở gần nhà nhau, cũng về luôn nhà Vũ hì hụi nấu cháo cá chén no nê rồi
ai ở nhà nấy đánh một giấc ngon lành đến sáng. Ngày 8/4/2005, cháu được
mời lên công an xã với lý do "có lấy cái gì ở trại giống không?". Cũng
trong ngày 8/4, Hải, Vũ, Trưởng, Khương, Thạch Nguyên, Xuân Nguyên cũng
đều được mời lên công an xã và ngày hôm sau thì 7 đứa chính thức biết
mình bị bắt về tội cướp tài sản, hiếp dâm. Lúc đó cháu đang học năm thứ 2
trường Trung cấp Công nghiệp tỉnh Phú Yên".
Là cậu học trò mang về giấy khen trong suốt 11 năm liền, Đỗ Nam Thành Vũ
khóc ầng ậc khi nhắc đến ước mơ học hành năm xưa. Vũ tặng tôi một món
quà. Món quà khiến tôi ngạc nhiên và nể phục người sáng tạo ra nó: Đó là
cuốn nhật ký được viết chủ yếu bằng thơ với nỗi nhớ thương cha mẹ da
diết, nỗi trăn trở đắng cay hay những triết lý về cuộc đời. Vũ tự vẽ
minh hoạ luôn cho cuốn nhật ký của mình, những bức tranh khá có hồn và
chứng tỏ người vẽ nó chưa từng học qua hội hoạ nhưng khá có năng khiếu.
60 phút đồng hồ thời gian thăm nuôi qua nhanh như chớp mắt. Giữ chặt
cuốn nhật ký trên tay, nhìn theo cái dáng gày gò, xiêu vẹo của Diệp Hồng
Thái quay về phòng giam, bất giác tôi nghe tim mình thắt lại khi nghĩ
đến cảnh, cũng như bao phạm nhân khác ở đây Thái phải hoàn thành 120 vác
mía trong ngày. Chiếc xe tải bịt bùng chật ních, nóng bức ì ạch chở
chúng tôi chui ra khỏi cổng trại. Với bằng chứng đầu tiên, tôi xác định
sẽ tiếp tục hành trình, cố tìm ra sự thật của câu chuyện. Trước tiên,
tôi và lương y Phạm Thị Hồng quyết định kiểm tra dương minh của can phạm
cuối cùng, người vừa mãn hạn tù. Và kết quả thật bất ngờ...