Phương châm : Lúc còn nhỏ tôi cứ nghĩ có tiền sẽ có tất cả,nhưng khi lớn lên tôi mới thấy đúng là như vậy...
Tiêu đề: Bí ẩn "cá thần" giá 1,5 tỉ vnđ
Cơn sốt 'cá thần' khiến các ngư dân cửa Ba Lạt thêm điên đảo, hàng trăm người đổ sô đi bắt cá.
Thời gian này, câu chuyện về con cá sủ vàng, loài cá mà người dân quanh các cửa sông ở Thái Bình trân trọng gọi là “cá thần”, lại gây ra sửng sốt. Một chàng trai ở tận Diêm Điền (huyện Thái Thụy) đã giong thuyền ra cửa Ba Lạt mênh mông, tóm sống một con sủ vàng, nặng gần 70kg, bán tại chỗ được 1,5 tỉ đồng, trong khi mới năm ngoái thôi, hai bố con làng chài nghèo Tam Bảo, đã tóm được một con 75kg, bán được 1 tỉ đồng.
Cơn sốt “cá thần” khiến các ngư dân cửa Ba Lạt thêm điên đảo. Hàng trăm ngư dân sắm thuyền, sắm lưới, vận dụng hết trí tuệ, kinh nghiệm để săn được loài cá này. Chỉ cần trúng một con, coi như đổi đời, lập tức thành triệu phú.
Cửa Ba Lạt mênh mông là nơi từng có kho báu sủ vàng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Chàng trai Nguyễn Đức Phong trần trùng trục trong cái nắng hè gay gắt, đứng trên con thuyền cũ kỹ neo đậu tránh thủy triều ở doi cát bên cửa Ba Lạt, cách bãi tắm Cồn Đen không xa. Nơi đây, mỗi khi thủy triều dâng, từ 2 giờ chiều, lại có gần trăm con tàu dạt vào, tạo thành một xóm chài trên biển. Lúc này, người đi biển mới được ăn cơm, con buôn cũng từ đất liền tìm ra mua tôm, cá.
Phong chỉ tay về phía biển, sóng nước mênh mông dâng ngập mắt, bảo: “Mới tháng trước, chỗ kia, nhóm người ở Thái Thụy đã tóm được một con sủ vàng. Tàu vừa cập bến, con cá đã được ông Nhuệ mua với giá 1,5 tỉ đồng”.
Bữa đó, anh em xóm chài Tam Bảo (Nam Hồng, Tiền Hải, Thái Bình) cũng dong thuyền ra cửa Ba Lạt từ 3h sáng. Thượng nguồn mưa lớn, lũ về, nước sông cuồn cuộn đỏ au phù sa tống ra biển cả. Vùng biển mênh mông dềnh lên mắt một màu phù sa. Đấy cũng là lúc loài sủ vàng rời khỏi hang hốc ra biển vui đùa.
Tháng 3 âm lịch là lúc chúng ra cửa biển tìm nhau, kết đôi kết lứa, để chuẩn bị cho mùa sinh sản vào tháng 4. Đây cũng là thời điểm các làng chài, dân làm nghề biển đổ về các cửa sông dọc từ Quảng Ninh, qua Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định về tận Ninh Bình để săn sủ vàng. Tập trung đông nhất vẫn là cửa Ba Lạt, cửa lớn nhất của sông Hồng, chia tách địa phận Thái Bình và Nam Định.
Nguyễn Đức Phong: "Nhìn thấy con cá sủ vàng mà mình vừa mừng vừa tủi...". Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Hôm đó, lúc 8 giờ sáng, tàu thuyền đang rải hàng ngang dãy dọc, cứ 2 chiếc một, chạy song song, kéo lưới quét khắp cửa Ba Lạt, thì chợt thấy đám người trên hai con tàu reo hò, nhảy nhót như điên dại.
Hàng trăm lần chứng kiến cảnh ấy, nên Phong biết rằng, nhóm người ở Thái Thụy kia đã trúng sủ vàng. Mấy chục con tàu dừng đánh cá chạy đến phía nhóm người kia chúc mừng. Ai cũng ngỡ ngàng khi tận mắt con cá dài thượt, vẩy ánh lên sắc vàng, trông không khác gì dát vàng thật.
Dùng thước dây đo, thấy con cá dài hơn 2m, chiều ngang bụng cỡ 0,5m. Phong bảo: “Nhìn con cá mà mình vừa mừng vừa tủi. Mừng vì nghĩ cửa Ba Lạt vẫn còn sủ vàng, như vậy, vẫn còn cơ may để dân chài đổi đời, nhưng cũng thấy tủi vì đã chục năm nay, cơ may đó vẫn chưa đến với mình. Không trúng sủ vàng, không bao giờ lên bờ được”.
Hai trong số nhóm người ở Thái Thụy đã trúng con sủ vàng bán được 1,5 tỉ đồng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Mặc dù trúng sủ vàng bạc tỉ, nhưng vì đến 9 giờ tối thủy triều mới lên ngập cửa sông, họ mới vào bờ được, nên đành phải ở lại cửa Ba Lạt. Bao nhiêu rượu được đưa hết lên boong, nhậu nhẹt tưng bừng. Dân chài quanh cửa Ba Lạt kéo đến chia vui trên biển với những người may mắn trúng lộc trời.
Con sủ vàng nằm trên tàu kêu òm ọp một lúc, lịm dần rồi chết. Nó được khiêng vào ngăn đá. Cái bể chứa cá lớn như vậy, song cả phần đuôi con sủ vàng vẫn lòi hẳn ra ngoài.
Theo lời Phong, ngay đêm ấy, con sủ vàng được nhóm người ở Thái Thụy đưa vào bờ. Ông Phạm Văn Nhuệ, chuyên gia buôn bán sủ vàng sang tận thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đã có mặt trên đê biển để đón cá. Việc thỏa thuận mua bán diễn ra chóng vánh. Con cá nặng 69kg đã được đại gia này mua với giá 1,5 tỉ đồng. Đây là con cá đắt nhất từ trước đến nay săn được ở Vịnh Bắc Bộ.
Chàng trai Bùi Văn Thắng và chiếc lưới tóm sống chú sủ vàng đắt nhất từ trước đến nay. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.
Tôi đã tìm đến các làng chài dọc ven biển Thái Thụy để hỏi về con cá sủ vàng bạc tỉ. Dù đã cả tháng trôi qua, song đây vẫn là đề tài thời sự. Tôi dễ dàng tìm được chàng trai trúng con cá bạc tỉ, đó là Bùi Văn Thắng, ở làng biển Tân Sơn, cách cảng Diêm Điền không xa.
Thắng công nhận là mới trúng sủ vàng, bán được 1,5 tỉ đồng. Tính ra, với số tiền đó, Thắng là người trúng sủ vàng và bán được với giá cao nhất từ trước đến nay. Ở làng Tân Sơn cũng nhiều người trúng sủ vàng, nhưng do trúng từ cả chục năm trước, nên chỉ bán được tầm trên dưới trăm triệu. Từ cả chục năm nay, không thấy ai bắt được sủ vàng ngoài Thắng nữa.
Theo lời Thắng, việc bán con cá với giá 1,5 tỉ đồng là quá rẻ, quá hớ. Thắng kể: “Hôm đó, sau khi cúng vái trong nhà, ngoài biển suốt 2 tiếng, đến 11 giờ đêm em mới cho tàu cập bến, thì đã thấy ông Nhuệ đứng đó. Thú thực, em và gia đình cũng như dân chài ở đây không thể biết rõ giá trị con cá thế nào. Mẹ em cứ đòi bừa 1,5 tỉ, không ngờ ông Nhuệ vác bao tiền vào nhà trả luôn, không thèm mặc cả xu nào”.
Con sủ vàng 69kg mà nhóm ngư dân Bùi Văn Thắng bắt được này có giá bao nhiêu tỉ khi lên thớt, chưa ai rõ cả. Ảnh: Phạm Phương Toàn.
Sau khi ông Nhuệ khiêng con cá lên chiếc Camry láng coóng chở đi, thì một đại gia Hải Phòng điện thoại bảo: “Đã liên lạc sang Trung Quốc rồi, giá con cá đó là 2,5 tỉ, tôi sẵn sàng chồng tiền ngay để lấy”. Lát sau, một đại gia ở Hà Nội lại điện về: “Tôi trả con cá đó 3,5 tỉ đồng, nhớ để cho tôi”. Gia đình Thắng nghe thế, niềm vui được cả bao tiền chưa dứt, thì đã rụng rời tay chân vì tiếc của, bán hớ.
Tờ mờ sáng hôm sau, hai cậu cháu Thắng phóng xe sang nhà ông Nhuệ ở Tiền Hải đề nghị mua lại con cái với giá 3 tỉ, tính bán cho đại gia ở Hà Nội kiếm lời 500 triệu. Tuy nhiên, ông Nhuệ bảo, ngay đêm đó đã đưa cá lên Nội Bài và bay thẳng sang Hồng Kông rồi. Ông Nhuệ cũng bảo, nếu con cá còn ở nhà, cũng không thể bán với giá 3 tỉ được, vì như thế… rẻ quá!