| Đã có nhiều nạn nhân say nắng phải trả giá đắt do coi thường các tác hại của nhiệt độ nóng hay không được khẩn trương cấp cứu vì ngộ nhận say nắng chỉ diễn ra một chút rồi sẽ hết. Say nắng là hiện tượng sốc nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao. Thời điểm thường gặp say nắng là vào buổi giữa trưa. Say nắng có thể kèm tổn thương thần kinh trung ương do tác động trực tiếp của tia cực tím từ mặt trời vào đầu, gáy… nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong rất nhanh.
Những biểu hiện say nắng
Để tránh bị say nắng, việc tập luyện ngoài trời nên chọn lúc sáng sớm hay chiều tối. Thường gặp là cảm giác khó thở, ra nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, có khi đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt, tiểu ít. Nếu không sơ cứu kịp thời, có thể dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, sốt cao từ 40oC trở lên, sắc mặt chuyển nhanh qua tái nhợt. Trường hợp bị nặng sẽ rơi vào mê sảng, co giật, truỵ mạch và dễ tử vong. Những người đi ngoài trời nắng, bỗng nhiên mặt đỏ bừng bừng, người nóng rát, đầu choáng là có thể bị say nắng thể nhẹ. Nặng hơn, sẽ thấy người mệt mỏi, mắt lờ đờ, nhịp thở nhanh và yếu, chóng mặt, loạng choạng rồi té ngã.
Khẩn trương hạ nhiệt cơ thể Cách xử trí đúng khi bị say nắng là ngay lập tức cần làm hạ thân nhiệt người bệnh. Đưa người say nắng vào chỗ có bóng mát, cởi bỏ bớt quần áo hoặc nới rộng ra. Chườm mát toàn thân bằng khăn thấm nước mát; lau nhẹ nhàng vùng nách, cổ, bẹn, chân tay... Dội nước mát lên người theo nguyên tắc từ chân lên đầu. Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cho uống nước từ từ, từng ít một để tránh nôn. Có thể cho người bệnh uống Oresol (pha với từ 1,5 – 2 lít nước) hoặc thay bằng nước đun sôi pha với ít muối và đường, sau đó cho uống nước trái cây, nước khoáng… Theo dõi thân nhiệt đến khi hạ xuống còn 37 hay 38oC là coi như qua nguy hiểm. Trường hợp xử trí ban đầu không có kết quả và có biểu hiện nặng hơn (không uống nước được, nôn liên tục, sốt tăng liên tục, bất tỉnh…) cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Không khó để phòng tránh Những người phải làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao cần trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy. Uống nước ngay khi có cảm giác hơi khát, nước nên pha thêm một chút muối. Nên uống nước ngay cả khi không khát. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả cũng giúp cơ thể chống lại say nắng. Khi ra ngoài đường phải mặc đồ thoáng mát, che kín chân tay, mặt, gáy. Đeo khẩu trang, kính râm, thoa kem chống nắng, đặc biệt là đội nón rộng vành để giảm bớt tốc độ hút hơi nóng của đỉnh đầu. Cần hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Với người tập thể dục thể thao, chỉ nên tập vào sáng sớm hay chiều tối. Đối với những môn chơi kéo dài hơn một giờ thì nên thêm loại nước uống có carbohydrate và điện giải (chẳng hạn như nước khoáng). Ai dễ bị say nắng nhất? Say nắng xảy ra với bất kỳ ai phơi mình quá lâu trong môi trường có nhiệt độ cao mà không có biện pháp phòng hộ. Tuy nhiên với một số trường hợp, do đặc thù sức khoẻ kém hoặc đang suy yếu miễn dịch sẽ dễ bị say nắng hơn những người bình thường như: người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh như bệnh tim mạch, huyết áp, đang bị viêm nhiễm, suy dinh dưỡng… cũng rất dễ bị say nắng ở nhiệt độ không quá cao so với người bình thường. Theo SGTT | |