| Bạn vẫn còn tình cảm, chỉ cảm thấy hơi chán, vậy làm thế nào để người ấy hiểu và không đòi chia tay?
“Giảm liều lượng” từ từ
Bạn không thể cắt đứt liên lạc và ngừng quan tâm người ấy ngay tức khắc được. Việc này đòi hỏi bạn phải biết kiên trì và điều chỉnh tốt trạng thái cảm xúc của mình. Bạn cảm thấy mệt mỏi vì được quan tâm hay phải quan tâm nửa ấy?
· Nếu mệt mỏi vì được quan tâm: Hãy khuyên người ấy một cách khéo léo rằng “còn khá nhiều việc để cậu làm thay vì cứ lo lắng cho tớ đấy. Đừng lo, tớ không sao đâu”. Nên tránh việc nói thẳng ra kiểu: “Đừng quan tâm tớ nhiều như thế, tớ đang chán”. Điều đó sẽ khiến bạn “không yên” với nửa kia đâu
· Nếu mệt mỏi vì phải quan tâm: Nói cho người ấy hiểu rằng, đôi khi sự quan tâm không nhất thiết phải biểu hiện cụ thể hoặc bày tỏ nhiệt tình bằng hành động. Bạn vẫn quan tâm người ấy mỗi ngày trong suy nghĩ và tư tưởng. Đồng thời cũng cho người ấy hiểu rằng bạn có một số việc cần phải giải quyết, nên có thể bận rộn một thời gian. Phải thật khéo léo để người đó không suy nghĩ linh tinh nhé
Tự phân tích trạng thái của chính mình
Bạn cần phải tìm hiểu nguyên do tại sao mình lại cảm thấy chán và muốn tạm không gặp mặt một thời gian. Có thể do hai bạn bên nhau quá nhiều và bạn dần dà “ngạt” vì điều đó? Hay bạn đang gặp áp lực trong công việc và cuộc sống? Hoặc đơn giản là bạn đang bị “say nắng” vì người thứ 3? Khi đã xác định được nguyên nhân, hãy bắt đầu giải quyết từ chính những vấn đề rắc rối đó…
Tránh gây những hành động khó hiểu
Như đã nói ở trên, bạn không thể bỗng dưng “cắt đứt” liên lạc ngay hoặc “hất đổ” tất cả những sự quan tâm của người ấy dành cho bạn. Tránh bóng gió gây hiểu lầm, cũng không nên tìm một người bạn khác giới để trò chuyện vào lúc này vì bạn rất dễ bị nhiễu cảm xúc và dẫn đến sự ngộ nhận. Có thể cảm giác chán chường chỉ xuất hiện nhất thời, và bạn cần thời gian để xác định.
Bận rộn nhưng vẫn phải “available”
Cố gắng khiến bản thân trở nên bận rộn, ít liên lạc hơn với người ấy từ từ, nhưng đồng thời cũng phải khéo léo tìm cách để người ấy biết rằng, bạn đang bận rộn thật sự chứ không phải lảng tránh vì “chán”. Chẳng hạn như treo status: “Đang làm bài tập, không có gì quan trọng đừng pm”, nếu người ấy có hỏi thì trả lời vui vẻ rồi bảo: “Tớ phải tiếp tục làm bài tập rồi. Tí nữa nói chuyện sau nhé!”.
Phải biết nhường nhịn
Chính bạn là người “gặp vấn đề” nên trong bất kì tình huống nào, bạn cũng không được nổi giận vô cớ với người ấy. Nếu người ấy hay suy nghĩ lung tung hoặc có những hành động quan tâm hơn nữa đến bạn (chỉ vì bạn vô tình để lộ thái độ hời hợt). Bạn không nên nổi giận hay có những hành động quá đáng vì người ấy sẽ cho rằng bạn đang “kiếm chuyện” để chia tay.
Nếu nửa kia của bạn là người tinh tế, sâu sắc và hiểu bạn, hãy chia sẻ khéo léo cảm xúc của bạn cho người ấy biết để cả hai cùng tìm ra giải pháp để “hâm nóng” lại tình cảm một cách tích cực
Quyết định
Sau một thời gian thử thách và tự kiểm nghiệm lại tình cảm của chính mình, hãy tự đưa ra quyết định. Nên nhớ, hãy suy xét và phân tích thật kĩ nếu không muốn mắc sai lầm. Cảm xúc chán chường chỉ xuất phát từ chính bạn một cách mơ hồ, nên có thể nó sẽ vụt tan rất nhanh nếu bạn biết cách xử lý. Còn khi bạn chán nản vì những nguyên do rõ ràng, thì hãy chia sẻ thẳng thắn với người ấy sau một thời gian chịu đựng. Nếu cả hai cùng cố gắng thay đổi, mọi thứ sẽ trở lại như xưa. Ngược lại, chia tay là điều rất dễ xảy đến.
o0o
Chúc bạn có được quyết định đúng đắn nhất
| |