Thà để cho người ấy “đau thật đau rồi chóng quên bạn đi”, còn hơn dây dưa trong một mối quan hệ bế tắc...
Đề cao tình cảm quá mức Sau gần một năm quen nhau, H.H ( lớp 12 trường N) bắt đầu cảm thấy tình cảm dành cho N.L (chung lớp) không còn nhiều như xưa. H.H tự trách mình tồi tệ nhưng nếu tiếp tục mối quan hệ này thì chỉ bất công cho N.L. Anh chàng tâm sự: “Mình không muốn lừa dối L. Mình cũng chẳng hiểu nổi mình, nhưng mình không biết cách nào nói lời chia tay cho L hiểu. Vì từ trước đến giờ, cô nàng khá trọng tình cảm và gần như đặt niềm tin cho mình tuyệt đối. Nếu mình nói chia tay, mình sợ mất L vì có thể sau đó, hai đứa không thể là bạn”
Còn B.Nhi (lớp 11 trường V) mở lòng đón nhận tình cảm mà B.Phong (lớp 12 trường V) dành cho mình, nhưng sau một thời gian, Nhi thấy Phong không hợp với mình nữa, nhưng Nhi đã trót hứa rất nhiều với Phong, thậm chí còn mỉm cười đồng tình khi Phong vạch ra tương lai của hai người. Nhưng rồi hiện tại, ngày nào Phong còn quan tâm là ngày đó Nhi cảm thấy bức bối, khó chịu, chán nản, không muốn tiếp tục nữa, nhưng Phong dường như chưa nhận ra điều đó và luôn tìm mọi cách để Nhi vui trở lại. Cô bạn thở dài: “Làm cách nào chia tay để hắn không phải đau lòng nhỉ?”
Dứt hoài chẳng được Khi đang yêu, muốn dứt ra nhưng không cách nào thốt lên được đã đành; đằng này một số cặp đôi dù đã chia tay nhau rồi nhưng vẫn dùng dằng trong một thời gian dài vì không quen với việc sống thiếu nhau. Như chuyện của H.P (sinh viên ĐH Bách Khoa) và T.T (sinh viên CĐ Kinh tế đối ngoại) là một điển hình.
Trong thời gian quen nhau, cả hai cãi nhau suốt và thốt nên lời chia tay rất nhiều lần. Nhưng khi P muốn chia tay thì T khóc lóc xin lỗi, T đòi chấm dứt thì P nài nỉ hết lời… Đến khi cả hai làm nhau chán từ từ, họ cùng quyết định đi đến chia tay, nhưng chia tay xong vẫn không yên. Khi thì H.P gọi điện qua tâm sự với T.T khiến T suy nghĩ, lúc thì T rủ P đi uống nước như cả hai “chẳng xảy ra chuyện gì” làm P cảm thấy vui vui… Việc đó kéo dài dẫn đến những giằng xé trong tâm lý và sự mâu thuẫn của cảm xúc, họ lại tiếp tục hành động theo kiểu “nửa vời” mà chính họ cũng không biết mình đang làm gì. T.T nói: “Mình phải là người tỉnh táo hơn vì đa phần người chủ động liên lạc là P. Nếu cứ như thế thì làm sao cả hai dứt khoát cho được?”
Còn P.T (sinh viên năm 1 ĐH
Ngân Hàng) đã từ chối tình cảm của N.B (học cùng trường) từ khi cả hai còn học chung phổ thông nhưng N.B cứ đeo bám mãi, quyết tâm không bỏ cuộc. Thậm chí khi T tuyên bố cả đời sẽ không bao giờ chấp nhận B, B vẫn ngoan cố theo đuổi. Trốn tránh mãi không được, T đành “mặc kệ”. Bạn bè ai cũng nghĩ rằng cả hai đang quen nhau, T cười buồn: “Giống như bị khủng bố tình cảm ấy, nên mình không thanh minh nữa, B chai mặt quá rồi, mình cũng mệt mỏi rồi, thôi thì đợi một thời gian nữa mình nghĩ cách khác xem sao”
Ai khổ hơn ai? Thường bạn sẽ nghĩ, khi chia tay, “người bị bỏ” là người đáng thương hơn. Nhưng thực chất, trong chuyện tình cảm, không “cân – đong – đo – đếm” được, bạn ạ! Vì chính những người chủ động chia tay cũng dằn vặt, cắn rứt lương tâm không ít. Họ muốn chia tay nhưng sợ bị mang tiếng là tàn nhẫn, độc ác, phũ phàng, mặc dù nguyên nhân chia tay đôi khi xuất phát từ chính “người bị bỏ”
H.H chia sẻ: “N.L hơi lụy tình. Điều đó khiến mình mệt mỏi. Mình mất tự do. Mặc dù mình không làm gì có lỗi với cô ấy nhưng hễ mình buông tay cô ấy một chút là cô ấy lại khóc, lại buồn vì mình làm lơ. Cuộc sống đâu phải chỉ có tình yêu. Cô ấy khiến mình ngạt và tình yêu chuyển sang nỗi sợ hãi từ từ. Không thể trách cô ấy được nhưng thật sự là mình cũng khổ tâm không kém… Tình yêu chân thành chưa đủ để khiến mối quan hệ trở nên bền vững. Phải khéo léo và tinh tế hơn nữa kia, nhưng không phải ai cũng làm được. Hãy đặt bạn vào hoàn cảnh của mình, bạn sẽ hiểu rằng mình cũng đáng thương không kém: muốn chia tay nhưng không biết dứt ra bằng cách nào”
Nếu muốn chia tay, không nên yếu lòng Lời khuyên cho những ai cảm thấy chán nản, mệt mỏi trong chuyện tình yêu hiện tại và muốn “từ bỏ”: Bạn không nên yếu lòng và nặng tình. Càng băn khoăn do dự, bạn càng làm khổ bản thân. Nếu chia tay là việc bạn muốn, thì bạn đừng nên quan tâm “người bị bỏ” sẽ quằn quại ra sao, khóc lóc thế nào, có cái nhìn tiêu cực đến đâu về bạn… Xua tan đi tất cả và chấp nhận những suy nghĩ từ người đó. Bạn cũng không nên cho rằng mình quá tồi tệ, quá xấu xa, vì không phải lúc nào chủ động chia tay cũng mang tội lỗi. Những bạn không thể chia tay là những bạn “hết tình nhưng còn nghĩa”, muốn người yêu của mình không phải đau khổ trước quyết định khá “sốc” của bạn. Nhưng dù thế nào thì cũng phải dứt khoát thôi bạn à… Thà để cho người còn lại “đau thật đau rồi chóng quên bạn đi”, còn hơn dây dưa trong một mối quan hệ bế tắc không lối thoát để cả hai phải khổ cùng cực về dài…