Có những game thực sự vĩ đại với hàng trăm triệu người chơi qua nhiều thập kỷ, và trò Windowns Solitaire đứng đầu trong số đó.
Suốt hai mươi năm, có một trò chơi đã làm say mê biết bao nhân viên văn phòng trên thế giới nhiều hơn bất cứ một trò chơi nào khác. Đó không phải là các trang trại hay những tên khủng bố, đó chính là Windows Solitaire.
Tựa game miễn phí này đã tồn tại hàng thập kỷ và có hàng trăm triệu người hâm mộ (trừ phi người đó dùng máy Mac). Đây cũng là ứng dụng đi kèm với hệ điều hành Windows được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Vốn dĩ Windows Solitaire đã đi kèm với các hệ điều hành Windows kể từ phiên bản 3.0. Lúc ấy nó chưa phải là một “solitaire” thực sự mà chỉ là một thuật ngữ ám chỉ việc người chơi “cắt” đi các lớp của các thẻ bài thông qua việc sắp xếp chúng theo cách thích hợp hoặc giống nhau về màu sắc.
Tuy nhiên, tựa game mà mọi người vẫn nghĩ đó là Solitaire thực ra chỉ là một trong nhiều phiên bản của trò chơi này, trong trường hợp đang được nhắc đến đó là Klondike. Lần đầu tiên nó xuất hiện là vào năm 1990 với một cỗ bài dành cho tất cả mọi người được thiết kế bởi Susan Kare - tác giả biểu tượng ban đầu của Apple Macintosh.
Sau đó một nhân viên của Microsoft có tên Wes Cherry đã tiến hành mã hóa. Chính ông cũng là người nhận ra tiềm năng của trò chơi này và mức độ ảnh hưởng tại nơi làm việc nên đã đưa kèm vào “boss key” để phục vụ các công tác theo dõi, tuy nhiên Microsoft đã gỡ bỏ tính năng đó trước khi tích hợp vào Windows 3.0.
Windows Solitaire đã nâng cấp liên tục kể từ ngày đầu tiên nó ra mắt công chúng. Các cỗ bài mới, đồ họa mới và các quy tắc mới được bổ sung qua mỗi năm. Thật vậy, các phiên bản Windows ngày nay không chỉ có một mà là 3 “Solitaire” với các biến thể như Spider Solitaire và Free Cell.
Free Cell cũng có quá khứ “hoành tráng” của riêng mình, mặc dù được đưa ra khá muộn ( năm 1995), nhưng lại được ví như một trong các cú “hit” đầu tiên của các trò chơi nối mạng, có thể hỗ trợ 1000 player cùng lúc.
Khi những “Solitaire” bị buộc tội gây ra sự lãng phí thời gian của dân văn phòng, Microsoft đã biện bạch rằng việc tích hợp trò chơi vào sẵn là nhằm giúp cho người sử dụng cảm thấy hoàn toàn thoải mái với máy tính và hệ điều hành đi kèm.
Vào những năm 1990, khi Windows vẫn còn là cái gì đó xa lạ bởi người ta lớn lên với các loại bút chì, bút mực hay máy chữ. Việc đưa chuột máy tính vào sử dụng khiến khách hàng tỏ ý hoài nghi về hệ điều hành này, đồng thời cũng khó sử dụng thành thạo. Tuy nhiên, Solitaire đã khiến họ cảm thấy dễ dàng hơn với các thao tác di và nhấp chuột thông qua trò chơi.
Nhắc đến Solitaire, có thể khẳng định rằng trước khi Facebook và các hình thức game online xuất hiện, đây là mối đe dọa lớn nhất tới chủ các doanh nghiệp bởi nhân viên tiêu tốn quá nhiều thời gian cho nó. Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg đã trở nên rất nổi tiếng sau khi sa thải một nhân viên bị ông bắt gặp đang chơi Solitaire.
Không chỉ có vậy, điều này còn lan đến từng ngôi nhà. Đã có những trường hợp được đề cập trên báo chí kể về những ông chồng cả ngày không làm việc chỉ bởi mải mê Solitaire. Có thể nói, trò chơi này thực sự gây nghiện.
Tuy nhiên, mặc dù Windows Solitaire nổi tiếng như vậy song những nhà sáng tạo nên nó đều rất ít được biết đến. Phần nào là Kare chỉ với sự nổi tiếng có từ khi thiết kế các icon cho Apple, còn với Alfille, ông hầu như không được nhắc tới. Người đàn ông này đã từng phàn nàn về những rắc rối ông phải chịu, đôi khi là cả những lời chỉ trích xong lại chẳng nhận được xu nào. Bởi việc phát triển tựa game chỉ là một trong những công việc thường nhật của ông tại trụ sở Microsoft.
Cũng có đôi chút đáng buồn khi thời kỳ của Windows Solitaire sắp kết thúc. Ngày nay, người ta luôn cảm thấy thú vị hơn khi chơi game trên các trang web trực tuyến như Facebook. Nó cũng không còn mang nhiệm vụ “vinh quang” thưở nào khi giúp ai đó làm quen với con chuột vốn đã quá thân thuộc. Nhưng dù sao, Windows Solitaire cũng đã có một lịch sử hào hùng, và được biết đến như loại vũ khí giết thời gian hiệu quả nhất.